Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, ngoài thức ăn chính là sữa mẹ, trẻ sẽ được làm quen với nhiều loại thức ăn khác nhau. Việc hiểu cách tăng độ thô thức ăn đúng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ là rất quan trọng. Điều này giúp trẻ có hứng thú với đồ ăn, phát triển kỹ năng nhai, nuốt và làm quen với nhiều dạng thức ăn khác nhau. Mời các bậc phụ huynh cùng tìm hiểu kỹ năng quan trọng này!
1. Độ Thô Thức Ăn Theo Từng Độ Tuổi
Theo Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng Anh và Viện Nhi khoa của Mỹ, cấu trúc thức ăn không phụ thuộc vào số răng trẻ có, mà nó liên quan đến sự phát triển não bộ theo độ tuổi. Cấu trúc thức ăn theo độ tuổi như sau:

– Từ Khi Bắt Đầu Ăn Dặm Đến Hết 6 Tháng Tuổi:
Cấu trúc thức ăn của trẻ nên ở dạng mịn, rây nhuyễn, có độ loãng, nhiều nước. Cháo nấu tỉ lệ 1:10 (1 muỗng gạo : 10 muỗng nước) giúp tạo ra thức ăn dễ tiêu hóa. Thịt cá rau củ cũng cần xay nhuyễn, mịn và rây. Nấu cháo đúng tỉ lệ trước, sau đó trộn chung với thức ăn.
– Từ 7 – 9 Tháng Tuổi:
Cấu trúc thức ăn nên chuyển sang dạng cháo đặc hơn, ít loãng, có hình khối (không cần rây). Thịt cá rau củ cần xay nát (không cần rây).
– Từ 10 – 12 Tháng Tuổi:
Thức ăn của trẻ nên là dạng cơm nát (cơm nấu dẻo làm nát bằng muỗng hoặc bằng tay). Thịt cá có thể làm nát bằng muỗng hoặc xé nát bằng tay. Rau củ thì cắt nhỏ, lát mỏng.
– Sau 12 Tháng Tuổi:
Bé có thể chuyển dần sang cơm hạt dẻo bình thường, thịt cá xé nhỏ hoặc cắt vừa. Cha mẹ có thể thay đổi cháo, cơm, mì bún để đa dạng cấu trúc, giúp bé quen dần với thức ăn người lớn sau này.
2. Cách Tăng Độ Thô Thức Ăn Cho Con
Cách tăng độ thô thức ăn cho trẻ như sau:
- Giảm số lượt cháo loãng xuống còn 10 phần.
- Nếu muốn chuyển cho con sang ăn cháo đặc thì độ thô phải được tăng dần: từ 9 lỏng 1 đặc, đến 8 lỏng 2 đặc, 7 lỏng 3 đặc…

Nếu bậc phụ huynh không chú ý tăng độ thô thức ăn cho con đúng cách, bé có thể bị nôn trớ do phải ăn những thực phẩm có độ thô lớn mà chưa được làm quen. Lâu dần sẽ dẫn đến biến ăn tâm lý hoặc ngán thức ăn rất lâu.
Chúc các bé luôn ngon miệng và an toàn!